Tất cả những người từng đến vườn bách thú dạo chơi đều sẽ bị thu hút bởi bộ lông rực rỡ của chim công đực, đặc biệt là khi công đang xoè đuôi. Khi nó dựng ngược lông đuôi ánh vàng rực rỡ đó, ngẩng đầu sải bước, thực sự là rất đẹp. Tại sao chim công biết xoè đuôi vậy? Có người nói, công xoè đuôi để “khoe mẽ” với người, câu trả lời này có chính xác không?
Muốn trả lời vấn đề này, trước hết chúng ta cần tìm hiểu xem công xoè đuôi nhiều nhất vào thời gian nào. Các nhà động vật học cho biết, thời gian công xoè đuôi nhiều nhất là vào tháng 3 – 4, lúc này chính là mùa sinh đẻ của chúng, do vậy hiện tượng xoè đuôi có liên quan mật thiết đến việc sinh đẻ, là kết quả kích thích của hoóc môn sinh dục do tuyến sinh dục của bản thân động vật tiết ra, là một biểu hiện tìm đôi lứa của chim công. Mùa sinh sản qua đi, hiện tượng xoè đuôi này cũng sẽ dần dần biến mất. Vì vậy, nếu chim công xoè đuôi là để “khoe mẽ”, chỉ là sự suy đoán chủ quan của con người mà thôi.
Công xoè đuôi, ngoài có lợi cho việc tìm bạn đời ra, khi gặp địch tấn công cũng sẽ xoè lông đuôi ra, từng chấm mắt lớn trên lông đuôi, giống như rất nhiều con mắt lớn, đột nhiên xuất hiện trước mặt kẻ địch, có tác dụng hù dọa đối phương. Trường hợp giống như vậy rất thường thấy ở trong các loài chim, ví dụ khi diều hâu, chồn sóc… tấn công gà mẹ đang dẫn dắt đàn gà con, gà mẹ cũng biết xù lông của nó để chiến đấu với kẻ địch. Động tác này tương tự với động tác xoè đuôi của chim công, là một kiểu phản ứng phòng vệ.
Đôi khi công thực sự biết xoè đuôi trước mặt một du khách đang mặc bộ quần áo đẹp sặc sỡ, nhưng đó không phải là để “khoe mẽ” mà là vì màu sắc xanh đỏ sặc sỡ của quần áo, tiếng nói cười to của du khách đã kích thích công, làm cho chúng phải đề cao cảnh giác. Lúc này công xoè đuôi cũng là một động tác thị uy, phòng ngự.