Thực vật thường phân làm hai phần: trên mặt đất và dưới mặt đất. Phần ở dưới mặt đất gọi là bộ rễ. Bộ rễ do nhiều loại rễ tạo thành, một loại ban đầu mọc ra từ rễ của phôi non của hạt giống, nó tương đối to khỏe có thể đâm thẳng, sâu xuống dưới đất gọi là rễ cái. Rễ cái có thể phân nhánh ra bốn phương tám hướng hình thành rất nhiều rễ con, từ rễ con lại phân nhánh ra rất nhiều rễ bé hơn nữa… hình thành rễ cấp 3, rễ cấp 4. Trên rễ cái và rễ con có thể mọc ra rất nhiều rễ nhỏ li ti, đầu trước của các rễ non còn có nhiều lông màu trắng, chúng được coi là đội xung kích đi hấp thụ nước và các chất dinh dưỡng.
Sự phân bố của bộ rễ trong đất có ba đặc điểm lớn: sâu, rộng, nhiều.
Các loài cây trồng khác nhau với tính chất đất khác nhau thì độ sâu của rễ đâm xuống đất cũng khác nhau. Như cây táo tàu, sinh trưởng ở những vùng đất khô hạn và gò đồi, rễ cái của nó có thể đâm sâu tới 12m. Rễ của một số loại rau cũng có thể đâm sâu tới 1m. Những loài cây sống ở sa mạc, trong môi trường khô hạn, bộ rễ của chúng đều có khả năng đâm xuyên sâu xuống lòng đất.
Số lượng rễ rất nhiều, một cây lúa mì có tới 70.000 rễ, tổng chiều dài lên tới hơn 500m. Khi cây ngô trưởng thành được khoảng tám lá thì số rễ con có tới 8.000, 10.000 rễ. Nếu đem toàn bộ số lông trên rễ của một cây lúa mì nối lại với nhau thì chiều dài đạt tới 20.000m. Còn cây ăn quả thì độ dài và số lượng toàn bộ rễ của nó cũng khiến bạn phải kinh ngạc.
Phạm vi phân bố của bộ rễ cây trồng so với độ rộng của tán cây còn lớn hơn nhiều. Một cây táo trồng được 27 năm thì bộ rễ của nó có thể vươn xa tới 27m, gấp 2-3 lần tán cây.
Bộ rễ của cây trồng dài và nhiều như vậy có tác dụng gì? Lãng phí chăng? Không! Đây hoàn toàn là điều tất yếu, bởi vì với bộ rễ to khỏe như vậy trước tiên sẽ có thể giúp thực vật cố định vững chắc ở trong đất, rễ càng sâu bao nhiêu thì phân bố càng rộng, thực vật sẽ càng khó bị ngã đổ trước những cơn gió mạnh.
Bộ rễ là một trong hai “nhà máy” lớn của thực vật (lá và rễ), nó nhận trách nhiệm rất khó khăn và nặng nề. Chúng ta đều biết rằng thực vật sống không thể thiếu nước, lượng nước có trong các bộ phận của thực vật tính theo trọng lượng chiếm trên 80%. Nhờ có nước mà lá và bộ rễ mới có thể tạo ra các chất cần thiết khác cho cây sinh trưởng và phát dục. Ngoài ra lượng nước còn thường xuyên “chạy trốn” khỏi bề mặt gọi là bốc hơi. Vào mùa hè, nhiệt độ càng cao sự bốc hơi của nước càng mạnh, lúc này nếu lượng nước không cung cấp kịp thời, thì thực vật sẽ bị khô héo, thậm chí bị chết. Có người thống kê, một cây giống hướng dương, về mùa hè mỗi ngày cần 200-300kg nước, với cây lúa mì muốn có được 500 hạt phải cần đến 200kg nước.
Thực vật cần lượng nước lớn như vậy thì ai sẽ cung cấp cho nó đây? Tất nhiên là phải nhờ vào bộ rễ hút nước từ trong đất. Chúng ta hãy tưởng tượng, nếu như không có bộ rễ to lớn tiếp xúc rộng rãi với các hạt đất có chứa nước thì làm sao bảo đảm được lượng nước cung cấp liên tục, không ngừng cho cây.
Thực vật trong quá trình sinh trưởng cần rất nhiều các chất dinh dưỡng khác như nitơ, phốtpho, kali, lưu huỳnh… Những chất dinh dưỡng này không thể lấy từ trong không khí mà phải dựa vào bộ rễ đi tìm khắp nơi ở trong đất, có một số nguyên tố vi lượng chỉ có thể tìm thấy ở dưới tầng sâu của đất. Do đó, bộ rễ phải phân bố vừa rộng vừa sâu, mới có thể lấy được thành phần dinh dưỡng ở trong đất cho cây sinh trưởng.
Có điều thú vị là bộ rễ thực vật ở dưới đất như vậy, nhiều như vậy, nhưng vẫn không đủ, mà cần phải có sự trợ giúp của một số “trợ thủ”. Ví dụ như trên đốt các cây dưa và thân cây ngô thường mọc ra nhiều “rễ bất định”; còn một số cây như cây tùng, rễ của nó có một loài vi khuẩn sống ký sinh gọi là “rễ khuẩn”, chúng đều có thể giúp cây hút nước và chất dinh dưỡng.
Như vậy bộ rễ của thực vật càng phát triển thì càng có lợi cho sự sinh trưởng của thực vật. Chúng ta thường nói “rễ sâu cây tốt” cũng là vì lẽ đó.