Sư tử là loài động vật thích sống quần cư. Một bầy sư tử giống như một gia đình lớn và do một con sư tử đực khoẻ mạnh làm đầu đàn. Điều kì lạ là con đầu đàn trong bầy sư tử nhìn trông rất lười nhác. Trong một ngày có đến 20 tiếng là nó nằm ngủ, còn nhiệm vụ săn bắt mồi phần lớn là do sư tử cái đảm nhiệm. Và mỗi lần sư tử cái bắt được mồi, thì con sư tử đực được dùng trước, sau đó mới đến phần của sư tử cái.
Người Châu Phi thường gọi sư tử đực là “kẻ bóc lột”, là “sọ lười” v.v.. Nhưng các nhà sinh vật học lại cho rằng, sư tử đực không đi săn mồi không phải là nó lười mà là sự phân công trong bầy sư tử không giống nhau. Sư tử đực gánh vác công việc nặng nhọc hơn. Vậy cuối cùng con sư tử đực có “cống hiến” gì cho cả bầy sư tử? Điều quan trọng nhất, nó chính là “vệ sĩ” cho bầy sư tử, đảm bảo an toàn tính mạng cho cả bầy. Một khi phát hiện thành viên của bầy sư tử khác xâm nhập lãnh thổ hoặc tập kích thành viên khác trong bầy của nó, sư tử đực lập tức thể hiện sự dũng mãnh, đối phó với kẻ xâm lược.
Sư tử đầu đàn có dáng vẻ uy nghi, từ mũi đến đuôi dài 3m, ở cổ có bờm rất dày và luôn dựng đứng trông rất oai phong. Bờm sư tử ngoài tác dụng bảo vệ cổ khi chiến đấu và để bày tỏ tình yêu với sư tử cái, nó còn có tác dụng quan trọng khác là biểu tượng uy nghi của cả bầy sư tử. Bởi vì một con sư tử có bộ lông bờm dày, đẹp, khi nó đi dạo trong khu vực bầy sư tử sinh sống, nó có thể khoe với bầy sư tử lân cận để thể hiện sự mạnh mẽ của mình. Nếu sư tử đực đầu đàn chết đi thì bầy sư tử khác sẽ xâm nhập vào lãnh thổ rất nhanh.
Tiếng gầm gừ cũng là tín hiệu để biểu thị sự uy nghi của sư tử đực. Mỗi lần sư tử gầm giống như những tiếng sấm long trời lở đất, với những tiếng gầm gừ, sư tử như muốn tuyên bố với kẻ xâm lược rằng: “Đây là lãnh địa của ta”. Những người đã từng nghe qua tiếng sư tử gầm đều có nhận xét rằng, tiếng gầm của sư tử là âm thanh kinh động nhất trong sự hoang dã của Châu Phi. Nếu nghe về đêm hẳn bạn sẽ phải lạnh xương sống.