Những người đã từng nuôi chim bồ câu đều biết, chim bồ câu có thể bay được đường dài, và không bị lạc đường, có bí mật gì trong đó vậy nhỉ? Vấn đề này đã gây thích thú cho nhiều nhà khoa học. Qua nghiên cứu tìm hiểu trong thời gian dài, có nhà khoa học cho rằng, chim bồ câu ngoài có đặc điểm bay của loài chim nói chung ra, chỗ lồi lên giữa hai mắt của chúng, trong khi bay đường dài có thể đo lường được sự biến đổi của từ trường Trái Đất. Họ đã đưa ra thử nghiệm 20 con chim bồ câu đã qua huấn luyện, trên cánh của 10 con trong đó đặt một miếng nam châm nhỏ, trên cánh của 10 con khác đặt lên miếng đồng, kết quả khi thả chim ra là: hai ngày có 8 con chim bồ câu được đặt miếng đồng sau trở về, còn những con chim bồ câu có mang nam châm, thì sau 4 ngày, chỉ có 1 con trở về và tỏ ra rất mệt mỏi. Điều này cho thấy, nam châm được đặt trên cánh của chim bồ câu đã sinh ra từ trường, gây nhiễu với từ trường vốn có của Trái Đất, làm cho chim bồ câu không thể nhận biết được phương hướng để bay về nhà mình.
Các nhà khoa học trong khi nghiên cứu đã phát hiện, chim bồ câu ngoài việc có thể lợi dụng từ trường Trái Đất để “dẫn đường” ra, còn có thể căn cứ vào ánh nắng Mặt Trời để dẫn đường. Các nhà khoa học cho rằng, đó là “đồng hồ sinh vật” trong cơ thể chim bồ câu đang tiến hành điều chỉnh theo sự di chuyển của Mặt Trời để lựa chọn phương hướng. Chúng còn có thể kiểm tra độ lệch của ánh sáng, chỉ cần không có đám mây đen che kín bầu trời thì có thể sử dụng Mặt Trời làm “la bàn” được.
Từ đó cho thấy, chim bồ câu có thể bay được về nhà của mình từ nơi rất xa, là bởi vì nó có nhiều cách phân biệt phương hướng. Vào những ngày trời mưa, chim bồ câu không thể biết được sự di chuyển vị trí của Mặt Trời, thì chúng có thể theo từ trường Trái Đất để “dẫn đường”, khi trời nắng thì chúng lại lợi dụng ánh nắng Mặt Trời làm “kim chỉ nam”. Ngoài ra, một số nhà khoa học còn phát hiện ra, chim bồ câu còn có thể lợi dụng mùi để làm đầu mối tìm đường về.
Bởi vì chim bồ câu có tài bay đường dài để tìm đường về nhà, do vậy, từ xưa đến nay, người ta lợi dụng chim bồ câu để làm công tác thông tin và hàng hải, đánh bắt cá hoặc quân sự. Ngày 5 tháng 6 năm 1916, thiết bị thông tin của Pháp ở một khu vực phòng thủ bị bom đạn của quân Đức phá hủy, tình hình rất nguy cấp, may mà còn một con chim bồ câu đưa thư, thả chúng bay đi cầu viện, chẳng bao lâu xe viện trợ đã đến, thì trận địa mới giữ được. Cho dù ngày nay với sự phát triển kỹ thuật thông tin cao độ, lợi dụng chim bồ câu đưa thư chuyển tin tình báo quân sự vẫn có tác dụng quan trọng.
Chim bồ câu bay đường dài là do được chủ nhân huấn luyện dần. Huấn luyện chim bồ câu non không được sốt ruột, trước tiên cần phải để chim bồ câu non quen với môi trường xung quanh, sau đó khi chúng đói, thì mang chúng ra huấn luyện bay. Khoảng cách vài lần ban đầu phải ngắn, sau khi chim bồ câu non bay được về, phải lập tức cho chúng ăn no, còn phải chuẩn bị một chậu nước, để cho chúng tắm rửa nghỉ ngơi. Sau khi chim bồ câu non trưởng thành, cơ thể dần dần khỏe mạnh, địa điểm và phương hướng thả đều có thể thay đổi, khoảng cách cũng có thể dài thêm. Chim bồ câu đưa thư loại giỏi còn có thể huấn luyện bay trong đêm được nữa kia!