Ngựa và trâu bò đều là động vật có vú ăn cỏ, vậy mà mặt của ngựa lại dài hơn nhiều so với trâu bò. Vậy nguyên nhân đặc biệt đó là do đâu?
Thực ra chỉ cần chúng ta quan sát kĩ cái mặt to, dài của ngựa sẽ phát hiện ra bộ não của nó không dài mà chính mồm ngựa lại vừa to, vừa dài. Bởi vì ngựa không giống như bò nhai đi nhai lại thức ăn, nó không có cách nào đưa thức ăn chưa nhai vào cất trong dạ dày, do vậy nó chỉ dựa vào cái mồm đặc biệt lớn của mình.
Ngựa sau khi ăn một miếng cỏ lớn, mặc dù không có hiện tượng nhai lại như ở bò nhưng trong khi ăn cỏ nó không ngừng tiết ra nước miếng để bù đắp lại phần không đầy đủ. Bởi vì nước miếng của ngựa có muối, chất dính và một ít khoáng chất có tác dụng làm mềm và ướt cỏ khô tiện cho việc nhai, nuốt thức ăn và hấp thụ dinh dưỡng. Cái mồm to của ngựa có tác dụng chứa được nhiều cỏ và cũng được coi là “kho chứa” nhất định.
Khuôn mặt to, dài của ngựa đặc biệt có lợi khi nó ăn, nó vẫn có thể quan sát được kẻ thù. Bởi vì mắt ngựa ở phía trên mặt, tai lại ở trên cùng của mặt và luôn dựng lên cao. Như vậy khi nó dùng cái mồm dài để ăn cỏ trong đám cỏ rậm rạp, nó không cần phải ngẩng đầu quan sát vẫn có thể thấy được bốn hướng, tai nghe được tám phương để đề phòng địch tập kích.
Các nhà động vật học cho rằng khuôn mặt to dài của ngựa được phát triển trong quá trình tiến hóa lâu dài. Điều này có lợi cho động vật khi ăn uống và đề phòng được kẻ thù tấn công. Cũng có thể nói rằng hiện tượng này là một ví dụ sinh động về sự thích nghi để sinh tồn.