Mọi người thường coi san hô, mã não là đá quý, giống như chúng là khoáng sản. Do nhiều san hô tự nhiên chưa qua gia công có hình cây, vì vậy từ trước đến nay rất nhiều người lại cho san hô là thực vật. Đến thế kỉ XVIII, còn có người coi tua cảm của san hô là hoa, tự cho đó là một phát hiện lớn. Hiện nay, những người đã học qua động vật học đều biết, san hô là động vật bậc thấp, nó thuộc về động vật xoang tràng chỉ có hai tầng phôi trong ngoài, giống như một chiếc túi hai tầng. Nó có một miệng, nhưng không có hậu môn. Thức ăn từ đó đi vào và những cặn bã cũng từ đó thải ra. Xung quanh miệng mọc ra rất nhiều tua cảm, đây chính là vật mà người xưa cho đó là hoa. Tua cảm có thể lấy thức ăn, hay rung động để đưa nước vào trong miệng và xoang tràng, giúp tiêu hóa những sinh vật nhỏ trong nước, do vậy nó là động vật.
San hô gồm rất nhiều loại, đều có cuộc sống ổn định, ngoài ra chúng đều có đặc tính chung là sinh sống ở trong biển nông, đặc biệt thích sinh trưởng ở khu vực biển ấm có nước chảy nhanh, nhiệt độ cao, tương đối trong sạch. Do đại đa số san hô đều có thể sinh sản đẻ nhánh, mà những thể nhánh này không thể rời xa được cơ thể mẹ, tạo thành một quần thể liên kết với nhau, sinh sống cùng nhau, đây là nguyên nhân chủ yếu mà san hô trở thành hình cành cây. Mỗi một đơn chế của san hô, chúng ta gọi nó là “con san hô”. San hô mà chúng ta thường nhìn thấy chính là bộ xương của quần thể còn sót lại sau khi thịt của những con san hô này bị rữa ra. Có những chất liệu của bộ xương thô ráp có thể dùng làm nguyên liệu nung vôi, chế tạo đá nhân tạo; chất liệu của bộ xương tốt thì có thể làm vật liệu xây dựng. Đại đa số đá ngầm san hô ở biển thường thấy là do những bộ xương này chất đống thành. Có một số chất liệu của bộ xương vững chắc, màu sắc rực rỡ, đặc biệt là màu đỏ, mọi người thường gọt giũa chúng thành nhiều loại đồ trang sức.